Những vai trò sẽ tham gia Estimate với Planning Poker
3 Tháng Một, 2022 Kiến thức Scrum Blog
Chắc hẳn chúng ta, những người đã và đang ở trong Scrum Team và áp dụng Scrum vào trong đội nhóm của mình thì đều đã biết đến sự kiện Sprint Planning và kỹ thuật ước lượng cho công việc bằng Story Point. Có rất nhiều cách, kỹ thuật để chúng ta tổ chức một buổi Sprint Planning hiệu quả với một mục tiêu là đưa ra được ước lượng hợp lý khối lượng công việc mà team có thể làm trong Sprint. Và kỹ thuật ước lượng phổ biến nhất hiện nay vì tính đơn giản cũng như độ hiệu quả cao chính là Planning Poker.
Trong bài viết trước của ScrumPass, chúng tôi đã giới thiệu với các bạn về kỹ thuật này. Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi sâu hơn, cùng nhau tìm hiểu những vai trò nào sẽ cần xuất hiện và tham gia trực tiếp estimate bằng Planning Poker.
Đầu tiên, tất nhiên chúng ta sẽ bắt đầu với toàn bộ Scrum Team. Planning Poker là một kỹ thuật được sử dụng trong buổi Sprint Planning, một sự kiện rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự thành công của Sprint nên chắc chắn chúng ta sẽ không thiếu mất bất cứ thành viên nào trong sự kiện này.
Thêm một điểm quan trọng nữa tôi muốn nhắc lại, Estimate trong Scrum là ước lượng công việc phải bao quát được toàn bộ nỗ lực (effort) cần để hoàn thành và bàn giao (deliver) được công việc đó. Tất cả thành viên trong Scrum Team cần ở đây vì họ đều sẽ đóng góp trong quá trình phát triển và bàn giao công việc một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua kiến thức, kinh nghiệm của họ. Một trong những giá trị lớn nhất của Planning Poker chính là việc khuyến khích mọi người chia sẻ thông tin, kiến thức, rủi ro, … và chắc chắn bạn sẽ không muốn đánh mất giá trị này.
Các thành viên trong đội phát triển, các bạn lập trình hoặc các bạn QC chắc chắn là những người giỏi nhất, cũng như phù hợp nhất trong việc tham gia, sử dụng các lá bài để ước tính. Điểm cần lưu ý duy nhất là dù kể cả đã thống nhất trước được thành viên sẽ thực hiện công việc thì các thành viên khác cũng vẫn sẽ tham gia ước lượng chứ không chỉ giới hạn ở những thành viên sẽ tham gia trực tiếp vào công việc này.
Thành viên tiếp theo của Scrum Team cũng sẽ có mặt trong sự kiện này là Scrum Master (SM). SM là người điều phối, tổ chức các sự kiện của Scrum và trong Planning Poker, SM cũng vẫn sẽ giữ vai trò là người điều phối của mình. Về cơ bản nhiệm vụ của SM sẽ chỉ dừng ở mức đấy, Tuy nhiên nếu như SM có nền tảng kỹ thuật (trong bất cứ vai trò nào) và có thời gian gắn bó với team hoặc sản phẩm thì SM hoàn toàn có thể tham gia trực tiếp cùng đội phát triển trong quá trình ước lượng bằng các là bài.
Tương tự với vị trí về Product Owner (PO). Nhiệm vụ chính của PO trong buổi planning bằng Planning Poker là để trợ giúp, cung cấp thêm thông tin, trả lời các câu hỏi của đội phát triển. Vì vậy PO sẽ không sử dụng các là bài trong sự kiện này. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ khi thành viên trong team mong muốn và mời PO tham gia vào công việc estimate dù trường hợp này khá là hiếm.
Tổng kết lại, Planning Poker cần sự có mặt của toàn bộ thành viên trong team và những người tham ước lượng chính sẽ là những thành viên đội phát triển. 2 vị trí còn lại, SM và PO có thể tham gia ước lượng nếu có kinh nghiệm chuyên môn và được đội phát triển mời tham gia ước lượng cùng.