Critical Thinking (Tư duy phản biện) là gì? Không phải là gì? Làm sao để đặt câu hỏi phản biện? 6 kĩ năng trong tư duy phản biện

Critical Thinking (Tư duy phản biện) là gì?
Critical thinking (Tư duy phản biện) là quá trình suy nghĩ dựa trên lý trí thay vì cảm xúc. Người có tư duy phản biện sẽ phân tích thông tin, đặt câu hỏi và đưa ra kết luận hợp lý thay vì chấp nhận mọi thứ một cách mù quáng.
Nhân viên có tư duy phản biện thường làm việc hiệu quả hơn, giải quyết vấn đề tốt hơn và hợp tác tốt hơn với đồng nghiệp. Dù không phải ai cũng dễ dàng rèn luyện kỹ năng này, nhưng tập trung vào các yếu tố chính của tư duy phản biện sẽ giúp cải thiện đáng kể.
Đọc thêm: https://www.criticalthinking.org/pages/defining-critical-thinking/766
Tư duy phản biện không phải là gì?
Nhiều người nhầm lẫn tư duy phản biện với việc chỉ trích hay bác bỏ quan điểm của người khác. Tuy nhiên, tư duy phản biện không phải là:
- Chỉ trích một cách tiêu cực: Tư duy phản biện không có nghĩa là tìm kiếm lỗi sai trong ý tưởng của người khác mà là đánh giá thông tin một cách khách quan.
- Phản đối mọi quan điểm: Một người có tư duy phản biện không bác bỏ ý kiến chỉ vì nó khác với suy nghĩ của mình, mà họ cân nhắc và xem xét tính hợp lý của từng lập luận.
- Chỉ dựa vào cảm xúc hoặc định kiến: Tư duy phản biện yêu cầu suy luận dựa trên dữ liệu, bằng chứng chứ không phải cảm xúc hay quan điểm cá nhân.
- Chấp nhận thông tin một cách mù quáng: Một người có tư duy phản biện không vội tin vào thông tin nhận được mà sẽ kiểm tra nguồn gốc, đánh giá tính xác thực trước khi đưa ra kết luận.

Lợi ích của Tư duy phản biện
Tư duy phản biện mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống hàng ngày và công việc:
- Kích thích tò mò và sáng tạo: Những người có tư duy phản biện không ngừng đặt câu hỏi và khám phá thế giới xung quanh, điều này giúp họ phát triển ý tưởng mới mẻ.
- Tăng tính độc lập và khả năng tự đánh giá: Họ không dễ bị ảnh hưởng bởi đám đông hay thông tin sai lệch.
- Giúp đưa ra quyết định sáng suốt và có cơ sở: Các quyết định được đưa ra dựa trên bằng chứng thay vì cảm xúc nhất thời.
- Cải thiện khả năng giải quyết vấn đề và giao tiếp: Khả năng tư duy logic giúp họ tìm ra giải pháp tối ưu.
- Hỗ trợ phân tích thông tin mà không bị thiên vị: Họ biết cách kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
Đặc biệt, trong môi trường làm việc, tư duy phản biện giúp nhân viên tìm ra giải pháp sáng tạo, tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho doanh nghiệp.
Những Kỹ năng Quan trọng trong Tư duy phản biện
Tư duy phản biện bao gồm nhiều kỹ năng quan trọng giúp con người tiếp cận và xử lý thông tin một cách có hệ thống. Dưới đây là các kỹ năng then chốt:
- Phân tích (Analysis)
- Phân tích là kỹ năng nền tảng giúp đánh giá và hiểu rõ một vấn đề. Nó bao gồm việc xác định vấn đề, thu thập dữ liệu, phân loại và đánh giá bằng chứng.
- Một người có khả năng phân tích tốt có thể nhận diện các yếu tố quan trọng trong một tình huống, phân biệt giữa thông tin hữu ích và thông tin gây nhiễu.
- Khi đối mặt với một vấn đề, người có tư duy phản biện không chỉ chấp nhận dữ kiện mà còn đặt câu hỏi về nguồn gốc và độ tin cậy của dữ liệu.
- Suy luận (Inference)
- Sau khi phân tích dữ liệu, suy luận giúp rút ra những kết luận hợp lý từ thông tin có sẵn.
- Người có tư duy phản biện không chỉ dừng lại ở bề mặt của vấn đề mà còn đặt câu hỏi về ý nghĩa sâu xa của dữ liệu.
- Khả năng suy luận tốt giúp đánh giá các khả năng khác nhau, dự đoán hậu quả của từng quyết định và chọn lựa phương án phù hợp nhất.
- Đánh giá (Evaluation)
- Đánh giá là kỹ năng giúp xác định tính chính xác, mức độ liên quan và giá trị của thông tin.
- Một người có kỹ năng đánh giá tốt sẽ xem xét tính khách quan của dữ liệu, phát hiện những sai lệch tiềm ẩn trong lập luận.
- Việc đánh giá đúng đắn giúp tránh những quyết định sai lầm do thông tin thiên vị hoặc không đầy đủ.
- Giải thích (Explanation)
- Giải thích là khả năng trình bày rõ ràng các lập luận và kết luận một cách có hệ thống.
- Người có tư duy phản biện giỏi sẽ biết cách sử dụng ngôn ngữ chính xác, logic để diễn giải vấn đề một cách thuyết phục.
- Họ cũng có thể điều chỉnh cách giải thích để phù hợp với đối tượng đang giao tiếp, giúp truyền đạt thông tin hiệu quả hơn.
- Giao tiếp hiệu quả (Communication)
- Một phần quan trọng của tư duy phản biện là khả năng truyền tải thông tin và lập luận đến người khác một cách rõ ràng.
- Người có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ biết cách trình bày ý tưởng mạch lạc, bảo vệ quan điểm một cách hợp lý và tiếp nhận phản hồi một cách khách quan.
- Lắng nghe tích cực cũng là một phần quan trọng trong giao tiếp, giúp tiếp thu quan điểm đối lập để điều chỉnh suy nghĩ và quyết định phù hợp hơn.
- Ra quyết định dựa trên thông tin (Informed Decision-Making)
- Quyết định sáng suốt là kết quả của quá trình tư duy phản biện chặt chẽ.
- Người có khả năng ra quyết định tốt sẽ không vội vàng mà sẽ đánh giá nhiều yếu tố, xem xét hậu quả dài hạn và cân nhắc các lựa chọn khác nhau trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
- Kỹ năng này đặc biệt quan trọng trong môi trường kinh doanh, nơi các quyết định có thể ảnh hưởng lớn đến hiệu suất làm việc và lợi nhuận của tổ chức.

Làm sao để đặt câu hỏi phản biện?
Đặt câu hỏi phản biện là một phần quan trọng trong tư duy phản biện. Nó giúp khám phá thêm thông tin, kiểm tra độ chính xác của dữ liệu và đánh giá tính hợp lý của các lập luận. Để đặt câu hỏi phản biện hiệu quả, có thể dựa vào ba yếu tố chính:
1. Dựa vào kiến thức và kỹ năng
- Một câu hỏi phản biện chất lượng thường xuất phát từ nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc.
- Khi có kiến thức sâu về một lĩnh vực, ta có thể đặt những câu hỏi chính xác để làm rõ các khía cạnh chưa được đề cập hoặc kiểm tra tính hợp lý của thông tin.
Ví dụ minh họa: Khi đọc sách về đầu tư và quản lý tài chính, chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng bạn có thể vay nợ để xoay vòng đầu tư. Theo kiểu bạn vay nợ xây 1 dãy nhà trọ, và bạn quy hoạch để dãy nhà trọ đó cho thuê được. Tuy nhiên, theo một cuốn sách khác thì bạn không nên sống với nợ nần. Bạn cần trả hết nợ và xây dựng kế hoạch tài chính một cách hiệu quả như chia 20% tiết kiệm, 60% chi trả hằng ngày, 20% đầu tư.
Vậy dựa trên kiến thức đã đọc từ 2 cuốn sách, bạn có thể phản biện lại hoặc tự phân tích rằng ý nào đúng ý nào sai, hoặc phương án nào là phù hợp với bạn và vì sao. Đây là một dạng phản biện dựa vào kiến thức trước đó.
2. Sử dụng trải nghiệm cá nhân
- Trải nghiệm cá nhân giúp đặt câu hỏi phản biện mang tính thực tiễn và phù hợp với bối cảnh cụ thể.
- Khi đối diện với một thông tin mới, ta có thể tự hỏi: “Dựa trên kinh nghiệm trước đây, thông tin này có hợp lý không?” hoặc “Liệu trong tình huống thực tế, điều này có thể xảy ra không?”.
- Kết hợp kinh nghiệm với dữ liệu khách quan giúp đánh giá tính chính xác và độ tin cậy của thông tin.
Hoặc bạn có thể phản biện dựa trên kinh nghiệm đã trải qua sự việc.
Ví dụ minh họa: Bạn không có đủ thông tin hoặc kiến thức để phản biển thầy cô khi thầy cô dạy 1 môn học nào đó. Chẳng hạn như khi bạn học môn Marketing, thầy cô dạy rằng SEO (Search Engine Optimization) là quá trình tối ưu hóa website đạt các tiêu chí về thuật toán xếp hạng của các công cụ tìm kiếm. Và đây là một công cụ cực kì quan trọng, giúp cho lượt view và lượt tương tác của website bạn cao hơn.
Nếu sử dụng trải nghiệm cá nhân, bạn có thể nói rằng em đã từng đi làm part-time hoặc intern ở một công ty về marketing. Và em nhận thấy mặc dù SEO rất quan trọng, nhưng nội dung trong website còn quan trọng hơn và mang đến nhiều giá trị hơn cho người đọc. Nội dung của mình vẫn viral, lan tỏa chứ không chỉ vì mỗi mình SEO. Đây là cách mình phản biện theo cách bổ sung thêm chứ không phải mình phản bác đúng sai.
Đôi khi bạn cần phản biện dựa trên kiến thức thực tế của bản thân và sự liên hệ với sự thật xung quanh. Ví dụ như những lý thuyết trong sách hoặc lý thuyết của người nói không sai, nhưng đứng trên góc độ về nhiều hoàn cảnh khác nhau sẽ có kết quả khác nhau. Bạn có thể liên hệ hoàn cảnh của bản thân hoặc hoàn cảnh của các khu vực, sự áp dụng khác nhau để phản biện.
3. Đặt câu hỏi dựa vào trí tò mò
- Tò mò là động lực quan trọng giúp mở rộng hiểu biết và khám phá những góc nhìn mới.
- Một người có tư duy phản biện sẽ không chấp nhận thông tin một cách hiển nhiên mà sẽ đặt câu hỏi như: “Tại sao điều này xảy ra?”, “Có cách nào khác để giải quyết vấn đề này không?”, “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thay đổi một yếu tố trong giả định ban đầu?”.
- Việc liên tục đặt câu hỏi dựa trên trí tò mò giúp tìm ra những điểm chưa rõ ràng hoặc những lỗ hổng trong lập luận.
Ví dụ: Mặc dù mình chưa có nhiều trải nghiệm, cũng mới lớn nên kiến thức và kinh nghiệm chưa có nhiều. Tuy nhiên có thể bạn chưa đưa được giải pháp phù hợp với thực tế nhưng bạn vẫn có thể đặt câu hỏi dựa trên sự tò mò khám phá những góc nhìn mới.
Chẳng hạn như sếp giao cho bạn 1 bài tập áp dụng AI, thay vì là bạn lên mạng tìm cách làm thì bạn đặt ra những câu hỏi như mình có thể tìm tài liệu ở đâu, lấy data thế nào, tại sao sếp lại mong muốn như vậy, kết quả như vậy có hợp lý không, AI có nên trả về kết quả khác không?
Bạn có thể thấy tác giả viết sách hoặc người đưa ra câu hỏi này chưa rõ ràng, hoặc sai, bạn hãy tò mò vì sao người ta làm được, hoặc vì sao người ta lại hỏi như thế.
Tại sao tư duy phản biện lại quan trọng?
Rất nhiều người ngại có ý kiến và luôn ngầm hiểu rằng người lớn tuổi hơn là đúng. Hoặc ở trên lớp, bạn luôn mặc định rằng cô giáo nói đúng và mình không có quyền phản bác lại những ý kiến đó. Vô tình trở thành một thói quen chấp nhận và không suy nghĩ. Điều này tạo thành một tác hại vì bạn không có được chiều sâu về suy nghĩ và khi nói ra thì câu trả lời cũng rất nông. Và khi bạn cảm thấy khó chịu hoặc có ý kiến về vấn đề tại công ty, bạn cũng không dám nói lại vì sợ bị đánh giá, hoặc là sống dĩ hòa vi quý mặc dù rất khó chịu.
Không có tư duy phản biện bạn cũng rất dễ bị lừa. Có nhiều cái lừa đảo trên thế giới này lợi dụng sự ngây thơ, không suy nghĩ và thiếu phản biện của bạn. Ví dụ họ lừa tiền bạn, hoặc nói với bạn rằng uống đồ này đồ kia tốt, hoặc tiếp cận bạn để lừa đảo thì bạn cần đặt những câu hỏi tại sao. Tại sao họ lại tiếp cận mình, món đồ này kia thực tế thế nào, có phải là đồ tốt không. Tại sao họ lại muốn mình làm thế này thế kia.
Tuy nhiên không phải mình nghi ngờ mọi thứ trên đời, mình cần dựa vào kĩ năng, kiến thức và sự tò mò để tìm hiểu cũng như gợi ý những cách tốt hơn. Tư duy phản biện còn đặc biệt cần thiết trong việc tự mài sắc tư duy của mình. Nghĩa là, khi mình nêu ra một ý kiến, một quan điểm nào đó, thì tự mình cũng phản biện lại chính cái quan điểm đó luôn. Nếu như ai đã từng học viết essay thì nó gần giống như là nêu ra counter-argument và rebuttal vậy. Mục đích là để tự nhìn nhận ra những yếu điểm trong lập luận của mình bằng những góc nhìn trái ngược, để từ đó có thể tự củng cố nó làm sao cho vững chắc và thuyết phục hơn.